Cơn sốt đi qua, dòng tiền của nhà đầu tư (NĐT) vào thị trường bất động sản (BĐS) có phần chậm lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa BĐS mất sức hấp dẫn với các NĐT.
Hầu hết chuyên gia chung nhận định, BĐS vẫn là kênh đầu tư được NĐT ưa chuộng. Hiện tại, dòng tiền có thể đang bị phân bổ “tạm thời” sang các kênh đầu tư khác nhưng nhìn trung và dài hạn kênh đầu tư được NĐT nhắm đến vẫn là BĐS. Tuy vậy, có một điều dễ nhận thấy là sau cơn sốt đất, đa số NĐT đã “bình tĩnh” hơn khi vào thị trường, họ không còn vội vã nghe theo tin đồn để quyết định việc mua BĐS một cách dễ dãi.
Theo Ông David Jackson, Tổng giám Colliers Việt Nam, qua thời gian, nhà đầu tư cũng dần “trưởng thành” hơn, từng bước có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu và không dễ bị tác động bởi các thông tin không chính thống. Cùng với đó, các quy định pháp lý dần được hoàn thiện giúp cơ quan chức năng điều tiết và quản lý thị trường hiệu quả hơn. Điều đó cũng có nghĩa rằng bộ phận người môi giới muốn tạo tin đồn và hiệu ứng đám đông để trục lợi cũng dần dần không dễ dàng “hoành hành” như trước đây nữa. Tuy vậy, nguy cơ sốt đất là vẫn còn và các kịch bản ứng phó vẫn rất cần thiết.
Vị chuyên gia này cho rằng, vẫn có một bộ phận nhà đầu tư đất nền muốn tìm kiếm lợi nhuận từ phân khúc này. Đặc biệt, ở những địa phương mới bắt đầu phát triển, quỹ đất còn nhiều thì đất nền vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vì tỷ suất lợi nhuận tốt (so với phân khúc căn hộ), mức giá phải chăng, giúp nhà đầu tư có một kênh để điều tiết dòng tiền hiệu quả.
Điều đó có nghĩa là NĐT vẫn rất quan tâm đến thị trường BĐS. Tuy nhiên, “gu” của NĐT sẽ là những BĐS an toàn, tầm nhìn trung – dài hạn, thay vì chăm chăm vào lướt sóng như thời điểm trước đây hoặc như trong giai đoạn thị trường nóng sốt.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, đất nền có sổ đỏ, nhà phố trong các KĐT hay căn hộ giá tầm trung… vẫn được NĐT quan tâm. Tuy nhiên, họ cũng không kỳ vọng lợi nhuận quá mức như trước đây, mà với dòng tiền nhàn rỗi của mình, tầm nhìn của NĐT là biên độ tăng giá ổn định, chờ cơ hội tốt hơn khi hạ tầng hình thành, quy hoạch, chính sách đi vào thực tế.
Một chuyên gia trong ngành đánh giá, so với các kênh đầu tư như vàng, tiền ảo hay chứng khoán, gửi tiết kiệm thì BĐS vẫn được khá nhiều NĐT quan tâm. Theo đó, sau cơn sốt đất ảo hay dịch Covid-19, NĐT vẫn sẽ không ngần ngại găm tiền vào BĐS. Nếu dịch được kiểm soát, thị trường giữa năm đến cuối năm sẽ bật dậy, phục hồi, thậm chí sôi nổi.
Hậu sốt đất cũng chính là thời điểm để NĐT đánh giá lại toàn diện thị trường và sắp xếp các danh mục đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, đa phần các NĐT sẽ thêm một lần thận trọng và “bĩnh tĩnh” hơn trước những thông tin quy hoạch, là bài học cần thiết để thị trường BĐS phát triển theo hướng minh bạch, bền vững hơn.
Theo chuyên gia, thời điểm khó khăn này, NĐT nên chuẩn bị nguồn dòng vốn hướng tới đầu tư trung – dài hạn. Chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào việc đầu tư lướt sóng không chỉ ở thời điểm này mà cả trong vài năm tới. Do thị trường BĐS Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã thiết lập nên mặt bằng giá mới trên diện rộng.
Đặc biệt, tại thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, NĐT nên cẩn trọng trước mỗi quyết định giao dịch. Vì hiện tại những dòng tiền chảy vào BĐS như kiều hối, tiết kiệm, sản xuất kinh doanh…, đều đang bị chậm hơn so với đầu năm. Chỉ khi nào dịch bệnh kết thúc, đồng thời các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ ràng hơn, lúc đó mới có thể lạc quan về sức khỏe của thị trường BĐS. Chính vì vậy, thời điểm phục hồi của thị trường BĐS vẫn phải chờ cột mốc dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, khi đó thị trường BĐS mới có thể đoán định được.
Bên cạnh đó, để đảm bảo dòng vốn an toàn với tỷ lệ tăng giá ổn định trong giai đoạn này, NĐT nên tìm đến các chủ đầu tư uy tín và dự án, sản phẩm có pháp lý minh bạch.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, đến cuối năm 2021, có thể xuất hiện làn sóng đầu tư mới đến với thị trường BĐS. Nhiều NĐT có dòng tiền tốt vẫn hướng đến những BĐS bị “ngộp”, hoặc tìm kiếm BĐS trong các dự án được quy hoạch bài bản ở các đô thị giàu tiềm năng phát triển. “Gu” của các NĐT này cũng “mặn” hơn khi ưu tiên những BĐS có tính thanh khoản cao.
Đánh giá chung về thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam từng cho rằng, mặc dù kinh tế suy giảm ít nhiều làm suy yếu cầu mua nhà và đầu tư nhưng theo dõi trên thị trường, lực cầu vẫn đủ mạnh để có thể tạo ra những đợt sóng hoặc bùng nổ ở những điểm hấp dẫn, bất cứ lúc nào. Kinh tế suy giảm, nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư thua lỗ nên nhiều nhà đầu tư đã rút vốn khỏi ngành kinh doanh truyền thông, để chuyển dòng vốn hướng vào thị trường BĐS, làm tăng mạnh hơn lực cầu đầu tư thị trường.
Dự báo về năm 2021, hầu hết người trong cuộc đều cho rằng, do sức cầu tiếp tục tăng nên giá BĐS không giảm. Nếu so với năm 2020, giá căn hộ tại Hà Nội có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ. Còn tại Tp.HCM trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có chiều hướng tăng. Chủ yếu là khu vực Tp.Thủ Đức.
Cũng có một số dự báo, về cuối năm, có thể nguồn cung tăng mạnh, giới đầu tư F0 sẽ rút khỏi thị trường nhiều, các nhà đầu cơ xả hàng mạnh. Lúc này, giá có thể sẽ chững lại, thậm chí bị áp lực giảm giá nhưng trong năm 2021 sẽ chưa xuất hiện giảm giá. Tuy nhiên, những dự án mới ra giai đoạn cuối năm sẽ xây dựng giá bán phù hợp hơn.
Theo Hạ Vy – Nhịp sống kinh tế